Dạo gần đây tôi hay cãi nhau với những người xung quanh. Lớn có, nhỏ có, mỗi lúc như thế, tôi đều cứ mãi trách hờn rằng chẳng ai hiểu mình cả, và ôm lấy nỗi uất ức của mình vào lòng. Mỗi lần bạn trai cãi nhau với tôi, tôi cũng đem câu đó ra nói, hay cãi nhau với gia đình, tôi cũng đem câu đó ra nhai đi nhai lại.
Tôi đã từng cho rằng câu nói đó mang tính tổn thương sâu sắc, cho tôi, và tôi nghĩ nó cũng sẽ khiến cho người xung quanh tôi nhận ra là nên tìm hiểu tôi nhiều hơn. Một câu nói thể hiện sự đau lòng tột cùng vì bị tổn thương trong một cuộc tranh cãi, và là một lời thức tỉnh cho người đang cố sức hiểu tôi. Nhưng lâu dần, sau khi trải qua rất nhiều chuyện, và cũng nhận được câu nói tương tự. Tôi cho rằng câu nói đó hiển nhiên kinh khủng, và chẳng việc gì chúng ta nên phải vì nó mà đau lòng cả. Nó không nên mang sắc thái đau đớn khi nhận ra, cũng chẳng nên dùng nó với người khác.
Chẳng ai hiểu mình cả, và mình cũng vậy. Nhưng mà buồn làm gì nhỉ? Vì vốn dĩ cuộc sống này chính là một hành trình để tìm hiểu mình, và tìm hiểu người khác. Chúng ta không hiểu chính bản thân mình, mình muốn gì, làm gì, và hạnh phúc vì điều gì. Nên mỗi ngày mình đều tìm câu trả lời cho những việc đó bằng cách thử những thứ mới lạ, giao tiếp nhiều hơn với người xung quanh, và xây dựng những thứ để phát triển bản thân mình. Và đó là một hành trình cần thiết trong cuộc sống, chẳng việc gì phải buồn vì một điều hiển nhiên cả.
Chẳng ai hiểu mình cả, cũng chẳng phải là câu dùng để trách cứ người bên cạnh. Họ vốn dĩ làm sao hiểu được mình, khi bản thân mình có suy nghĩ, thói quen và cách tư duy riêng? Điểm thú vị nhất ở con người chính là nếu bạn có 9 người trong một căn phòng họp, sẽ có ít nhất 11 ý tưởng được đưa ra và nó hoàn toàn khác nhau. Mỗi một con người tồn tại là một cá thể độc lập, nên chẳng ai có thể thật sự hiểu thấu bản thân và người khác. Huống hồ bạn và họ còn sống hai cuộc sống hoàn toàn khác nhau, với những trải nghiệm và góc nhìn khác nhau, còn chưa tính đến yếu tố tuổi tác thì bao nhiêu đó cũng cho thấy sự khác biệt.
Có thể khi đọc những quyển ngôn tình hay xem những bộ phim luôn tôn sùng mối quan hệ chỉ nhìn ánh mắt là hiểu, hay đại loại như là sự hiểu ý lên đến hơn 100% giữa hai người, khiến chúng ta đôi lúc cũng sinh ra lầm tưởng rằng những mối quan hệ đó có tồn tại. Nhưng sự thật là nó không hề tồn tại. Hoặc có thì nó lại quên mất là chúng ta cần yếu tố thời gian, giao tiếp và thấu cảm.
Sẽ chẳng bao giờ xuất hiện một người hiểu ý mình ngay từ cái nhìn đầu tiên hay qua đôi ba lần gặp gỡ. Nếu có thì chắc là họ đã có điều tra về sở thích, thói quen của chúng ta từ trước. Đây cũng là một cách tôi hay dùng để gây ấn tượng với crush. Chỉ cần mài mò thông tin từ người xung quanh, hay mạng xã hội một chút thì tôi có thể tạo ra một bản thể ăn ý với crush gần như là 80% đến mức mà người đó phải thốt lên là “em hợp anh quá”. Nhưng đó chỉ là mảng nổi của tảng băng chìm, sau một thời gian dài những gì không phù hợp hay bất đồng quan điểm sẽ nảy sinh.
Vậy nên, một câu “chẳng ai hiểu mình/em cả” nó chẳng có gì khiến cho chúng ta phải buồn, và cũng đừng lạm dụng nó để lên tiếng cảnh báo người đang cố để hiểu bạn. Khi tôi giữ cái tư tưởng đó trong đầu, tôi luôn mong chờ người khác phải hiểu mình, phải quan sát, phải chú ý, phải quan tâm, phải làm đủ thứ trên đời “vì mình”. Nhưng trong mối quan hệ giữa người với người, nếu cứ giữ mãi tư tưởng đó, thì chính là ích kỉ. Họ chẳng có nhiệm vụ hay bổn phận phải “hiểu mình” cả. Việc duy nhất để họ ở bên cạnh chúng ta là “tình cảm” là sự yêu thương và trân trọng. Những bất đồng xảy ra là một lẽ thường tình. Sở dĩ chúng ta có những cuộc cãi vã, là vì chúng ta muốn hiểu nhau chứ không phải là phân định đúng sai, hay ai hiểu ai nhiều hơn. Quan điểm của bạn khác tôi, vậy thì tôi sẽ nói cho bạn biết quan điểm của tôi. Chúng ta chấp nhận được quan điểm của nhau thì chúng ta tiếp tục, còn nếu không thì chúng ta sẽ tìm cách để hòa hợp, còn nếu lại không thể thì chúng ta đường ai nấy đi. Đơn giản là như thế, nhưng chúng ta lại luôn vô tình hoặc cố ý dùng những lời lẽ như “Chẳng hiểu tôi gì cả” để tổn thương người khác..
Hãy tưởng tượng nhé, nếu bạn là một người rất yêu thương một ai đó, và bạn nghĩ rằng bản thân luôn cố hiểu họ, luôn hiểu được cảm giác buồn vui của họ đa phần. Và đùng một cái vì 1 chuyện gì đó thì họ phán cho bạn một câu xanh rờn là mình chẳng bao giờ hiểu được họ. Một câu nói phủ nhận toàn bộ sự thấu hiểu của bạn từ trước tới giờ dành cho họ, cũng như là cố gắng của mình với họ. Bạn buồn chứ? Họ cũng sẽ vậy thôi.
Thay vì như thế, bạn thử đổi câu nói đó lại một chút xem. Rằng “ Hình như bạn hiểu sai ý của tôi rồi, ý của tôi là…”
Hãy cố để câu nói của mình mang ít ý tứ trách cứ nhất có thể, và hãy hiểu rằng, chẳng ai hiểu nổi mình đâu. Vì tất cả đều cần một quá trình rất dài, và chúng ta cũng có rất nhiều thứ cần nói để đối phương hiểu.
Đôi khi những mong muốn của chúng ta cũng sẽ rất quá đáng và khó thực hiện, nhưng nếu cứ giữ trong lòng chúng ta sẽ không nhận ra được điều đó.
Đôi khi có những việc, chúng ta sẽ không biết là chúng ta có góc nhìn khác với họ cho đến khi nói ra.
Hoặc ví dụ như bạn thấy vấn đề này với bạn là nghiêm trọng, nhưng với họ thì không. Nên họ sẽ có thói quen xem nhẹ chuyện đó, nếu bạn cứ để mãi trong lòng thì đó sẽ thành một nỗi uất ức, thậm chí là khó chịu với đối phương.
Thay vì đem những tổn thương tích tụ cho bản thân và rồi xả lên người chúng ta yêu thương, hoặc chỉ biết nhịn đến mức bùng nổ rồi lại đau khổ thì hãy chọn cách giao tiếp với người chúng ta yêu.
Mỗi một mối quan hệ cần nhất chính là sự giao tiếp, cần nữa chính là đừng trách cứ. Hãy hiểu là chúng ta cũng có những lúc sai, và họ cũng vậy. Nếu trách hờn lẫn nhau mãi thì chỉ khiến cả hai mệt mỏi và đau khổ chứ chẳng thể đưa ra được bất kỳ một giải pháp nào. Đứng giữa những lựa chọn khiến cho chúng ta đau khổ, thì tôi nghĩ mình vẫn nên chọn cách khiến bản thân mình thoải mái hơn với cuộc sống.
Trách cứ người khác chính là kì vọng quá nhiều những mong cầu có thể không thực hiện được. Người khác là những gì chúng ta không thể kiểm soát được, nên việc càng chờ mong càng thất vọng là thật.
Mà tự trách bản thân thì cũng sẽ chẳng được gì. Giữa mối quan hệ giữa người với người thật ra rất phức tạp và khó để phân định đúng sai. Hãy trông chờ những cuộc cãi vã, vì đó là lúc chúng ta nhìn ra là bản thân chúng ta sẽ phát triển thế nào. Lựa chọn lắng nghe, hay cố chấp giữ quan điểm để rồi chẳng ai có thể hạnh phúc thì đó là quyết định của bạn. Nhưng thế giới này không ai nợ bạn bất kỳ thứ gì, nên cứ trách hờn hoặc đòi hỏi ở đối phương quá nhiều thì người đau lòng là bạn, không phải họ.